Sự khác biệt của chợ tình Khâu Vai
Nếu có dịp đi du lịch Hà Giang, bạn sẽ có cơ hội để khám phá chợ tình Khâu Vai rất nổi tiếng ở đây. Vậy chợ tình Khâu Vai có gì khác với chợ tình Sapa? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Huyện Mèo Vạc được đặt tên theo chi phái H’Mông( cũng thường gọi là người Mèo); nằm kề phía dưới huyện Đồng Văn cũng thuộc khu Bắc tỉnh Hà Giang. Khâu Vai là tên xã của huyện này, đã có từ rất xa xưa một chợ phiên; thường họp theo một truyền thống rất đặc biệt.
Trước năm 1992, chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Theo truyền thuyết:
Ngày xưa, ở Khâu Vai có chàng trai Nùng khôi ngô, khỏe mạnh; siêng năng yêu một cô gái người Giáy xinh đẹp, khéo tay, hát hay ở một bản lân cận. Hai người thường dẫn nhau lên núi tâm tình. Tình yêu của đôi lứa nở đẹp như hoa rừng trong nắng sớm; trong lành như dòng nước suối và đằm thắm như đôi chim Nọc Hang, Nọc Phày; là loài chim rừng có màu sắc đẹp, hót hay, sống cặp đôi.
Thế nhưng, thời ấy phong tục của từng dân tộc rất khắt khe; ngăn cấm trai gái người khác tộc không được lấy nhau; và con gái không được tự do tìm hiểu người bạn đời của mình. Dù thế, đôi uyên ương khác dòng tộc này vẫn yêu nhau; lại càng thắm thiết, tưởng chừng không có trở lực nào ngăn cản nổi.
Lúc bấy giờ có sự hiềm khích về đất đai; quyền lợi của hai bản và hai gia đình vì đó cũng không ưa nhau. Vào một ngày nọ, lúc hai người đang cùng bên nhau trên núi Khâu Vai thì phía dưới núi; dân làng hai bản đang đánh nhau đổ máu. Hiểu rằng sự xô xát có ảnh hưởng rất lớn cho đời họ và tình yêu của hai người; cho dù khắng khít đến đâu cũng không thể vẹn toàn. Cả hai đành gạt nước mắt chia tay nhau; hẹn kiếp sau trở nên vợ chồng và mỗi năm gặp lại một lần vào đúng ngày chia tay; tại đúng nơi thường hẹn hò, tức là ở Khâu Vai.
Từ đó, Khâu Vai trở thành nơi hẹn hò chung cho những người yêu nhau nhưng thường bị trắc trở không lấy nhau được. Dần dần, Khâu Vai cũng trở thành nơi hẹn ước và là chợ tình như mọi người thường gọi.
Ở Khâu Vai ngày xưa không có chợ, không ai mua nên không có người bán. Người ta đến đây bất luận già trẻ, với nỗi lòng trắc ẩn; với tình duyên lỡ làng từ trước, dù đã qua rồi khá lâu hoặc vừa mới xảy ra. Họ trở lại tìm dấu tích thân thương của độ nào vẫn còn dư âm thấm đậm trong tim họ.
Như có những động lực vô hình mạnh mẽ tác động; thôi thúc những bạn tình năm cũ lại gặp nhau đúng hẹn ước; những người đã từng được gửi gắm trao nhau tình thương nõi nhớ; thật lòng được nhìn mặt và vóc dáng của nhau; với những mừng mừng tủi tủi tưởng chừng không dứt. Họ có dịp gần gũi nhau, vui chơi, tâm sự; chiều chuộng nhau trong một thời gian rất quý báu, dù rằng có ngắn ngủi. Họ đem theo thức ăn từ nhà gồm cơm nếp gói, bánh, khoai củ bày ra cùng nhau ăn.
Để được tay nắm tay, mặt nhìn mặt, lòng rộn ràng yêu thương sau những tháng ngày xa cách; ai ai cũng có lòng háo hức. Ở xa, người ta phải vượt qua những nẻo đường dốc núi “ trần ai” và phải lo liệu đến đây từ chiều 26. Tới nơi là phải đi tìm kiếm hình bóng xưa, khi gặp được nhau; họ đưa nhau vào nơi yên tịnh vắng vẻ để cùng bên nhau trút bỏ nỗi lòng nhớ thương từ bao lâu. Cũng có những cặp vợ chồng đưa nhau cùng đến Khâu Vai với mục đích giúp nhau tìm bạn tình cũ.
Đây là nét văn hóa đặc thù đáng tán thưởng trong đời sống giữa chốn núi rừng của người dân tộc vùng Khâu Vai. Chồng vợ đều tôn trọng tình cảm riêng từ quá khứ của nhau. Họ không đem dĩ vãng vào cuộc sống hiện tại để dằn vặt, mâu thuẫn, ảnh hưởng nặng nề, có khi nguy hại cho tương lai. Tình cảm dù sâu nặng cũng bị chi phối nhất thời vì lắm lí do ngoại cảnh. Cuộc sống hiện tại với sự gắn bó bền chặt mới là điều quan tâm đáng trọng.
Chiều ngày 27 chợ tan. Đôi bạn tình lại chia tay bịn rịn. Lại hẹn năm sau nhưng không ai biết chắc chắn còn gặp nhau được nữa hay không. Những cặp vợ chồng thật sự lại tìm nhau, cùng che ô dù, dẫn dắt nhau về nhà, cố xua đuổi những hình ảnh xa xưa để đối mặt với cuộc sống hiện tại bên đàn con nheo nhóc. Nhiều người trên đường về tổ ấm cũng chân thành kể lại cho nhau nghe những điều lý thú và với họ chẳng có gì phải che giấu nữa.
Cũng có rất nhiều người đến chợ Khâu Vai nhiều lần mà chưa gặp lại được người bạn tình cũ. Sự tìm kiếm, ngóng đợi vô vọng, chiều tà họ ngậm ngùi lủi thủi ra về một mình, lòng phân vân lẫn tê tái.
Từ năm 1992 đến nay, Khâu Vai đã thật sự hình thành chợ có mua bán, trao đổi hàng hóa, sản vật địa phương. Cứ năm ngày có một phiên chợ và là chợ mua bán đích thực. Chỉ có ngày 27 tháng 3 âm lịch mới đầy đủ ý nghĩa là phiên chợ tình yêu và là điểm hẹn của những người hoài niệm quá khứ yêu thương.
Khâu Vai chẳng những là nét văn hóa tình cảm, xã hội đặc thù của dân tộc miền núi Hà Giang mà có lẽ cũng khá tiêu biểu đặc sắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt.
Để tham khảo thêm các tour đặc sắc của Dainam Travel Quý khách vui lòng truy cập: www.dainamtravel.vn hoặc www.dulichtaybac.net.vn
English: www.dainamtravel.net
Tư vấn trực tiếp: Mr.Truyền – 0911.464.181
Dainam Travel – Let us satisfy your standards